Mô tả
Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất Đàng Trong, xứ Thuận Quảng. Cách đây trên 400 năm đã xuất hiện phủ Quy Nhơn. Vùng đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chăm Pa từ thế kỷ XI, dưới triều đại nhà Tây Sơn và cảng Thị Nại từ đầu thế kỷ XVIII.
Do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội và tác động sự phát triển của nền công nghiệp phương Tây vào thế kỷ XIX làm cho diện mạo Quy Nhơn thay đổi.
Ngày 20/10/1898, vua Thành Thái ra Chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn, đô thị tỉnh lỵ, là một trong những đô thị hoạt động thương mại với nước ngoài khá sầm uất lúc bây giờ.
Vào đầu thế kỷ XX, nhiều công trình mới được mọc lên như: trường học, bệnh viện, khách sạn, công sở, nhà hát, toà giám mục, hệ thống giao thông đường sắt, nhà ga...Do đó, trong 3 thập niên đầu của thế kỷ XX, Quy Nhơn nhanh chóng được đô thị hóa và trở thành một đô thị lớn ở khu vực.
Ngày 30/4/1930, Toàn quyền Đông Dương Pasquier đã ra Nghị định nâng cấp thị xã Quy Nhơn lên thành phố cấp 3. Đây là một trong những đô thị ở Việt Nam thời bấy giờ đạt tiêu chuẩn cả về phương diện hành chính lẫn kinh tế, văn hóa.
VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
hành phố Quy Nhơn nằm ở phía đông nam và là địa phương cửa ngõ phía nam tỉnh Bình Định, có vị trí địa lý:
- Phía đông giáp Biển Đông
- Phía tây giáp huyện Tuy Phước và huyện Vân Canh
- Phía bắc giáp huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát
- Phía nam giáp thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.[3]
Quy Nhơn nằm trong phạm vi tọa độ từ 13°36'B đến 13°54'B, từ 109°06'Đ đến 109°22'Đ, cách Hà Nội 1.065 km về phía bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh 650 km về phía nam, cách thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) 165 km và cách thành phố Đà Nẵng 323 km.
HÀNH CHÍNH
Thành phố Quy Nhơn có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 16 phường: Bùi Thị Xuân, Đống Đa, Ghềnh Ráng, Hải Cảng, Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Ngô Mây, Nguyễn Văn Cừ, Nhơn Bình, Nhơn Phú, Quang Trung, Thị Nại, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Trần Quang Diệu và 5 xã: Nhơn Châu, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Nhơn Lý, Phước Mỹ.
![image](/Content/images/map.png)